Trị vì Seth-Peribsen

Vết dấu từ ngôi mộ của Peribsen

Bởi vì một số di chỉ khảo cổ học trợ giúp cho quan điểm cho rằng vương quốc Ai Cập đã bị chia tách dưới thời Peribsen, hiện vẫn còn các cuộc tranh luận về việc tại sao những vị vua trước ông lại quyết định phân chia vương quốc và Peribsen đã cai trị một phần hay toàn bộ Ai Cập.

Giả thuyết về sự chia cắt vương quốc

Các nhà Ai Cập học như Wolfgang Helck,[41] Nicolas Grimal, Hermann Alexander Schlögl [46] và Francesco Tiradritti tin rằng vua Nynetjer, vị vua thứ ba của triều đại thứ hai và cũng là tiên vương của Peribsen, đã cai trị một vương quốc Ai Cập với một bộ máy chính quyền quá phức tạp. Nynetjer quyết định phân chia Ai Cập thành hai vương quốc riêng biệt, với hy vọng rằng bộ máy chính quyền của vương quốc có thể sẽ được cải thiện. Các bằng chứng khảo cổ học, chẳng hạn như các vết dấu niêm phong bằng đất sét và những chiếc bình được chạm khắc, dường như ủng hộ luận điểm cho rằng Peribsen chỉ cai trị ở Thượng Ai Cập. Phần lớn trong số đó đã được tìm thấy ở Abydos, Naqada và Elephantine, và chỉ có duy nhất một vết dấu bằng đất sét mang tên ông được tìm thấy ở Hạ Ai Cập, tại Beit Khallaf. Các nhà sử học nghĩ rằng vương quốc của Peribsen kéo dài từ Naqada đến đảo Elephantine. Do đó, phần còn lại của Ai Cập sẽ nằm dưới sự cai trị của một vị vua khác.[33][47]

Nhà Ai Cập học Dimitri B. Proussakov chứng minh giả thuyết của ông ta bằng cách dẫn chứng từ tấm bia đá Palermo thông qua các sự kiện hàng năm của vua Nynetjer. Từ sự kiện năm thứ mười hai trở đi, "Dưới sự chứng kiến của Vua Thượng và Hạ Ai Cập" được sửa đổi thành "Dưới sự chứng kiến của Vua Hạ Ai Cập". Proussakov coi đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy quyền lực của Nynetjer trên toàn Ai Cập đã bị suy giảm.[48] Các nhà Ai Cập học đã so sánh điều này với hoàn cảnh tương tự của vua Qa'a, một trong những nhà vị vua cuối cùng của triều đại thứ nhất. Khi Qa'a qua đời, những thế lực bí ẩn đã xuất hiện và tiến hành cuộc chiến tranh giành ngai vàng của Ai Cập. Cuộc chiến này chỉ kết thúc khi vua Hotepsekhemwy lên ngôi, ông ta là người đã sáng lập ra triều đại thứ hai[49][50]

Barbara Bell và một số học giả khác lại cho rằng một thảm họa về kinh tế như là một nạn đói hoặc hạn hán kéo dài đã ảnh hưởng đến Ai Cập vào giai đoạn này. Và vì thế để giải quyết vấn đề nạn đói, Nynetjer đã chia vương quốc thành hai vương quốc riêng biệt và hai vị vua kế vị ông sẽ cai trị hai quốc gia độc lập cho đến khi nạn đói kết thúc. Giả thuyết của Bell căn cứ vào những dòng chữ khắc trên tấm bia đá Palermo, mà theo quan điểm của bà, mực nước lũ sông Nile dưới thời ông trị vị luôn ở mức thấp[51]. Giả thuyết của Bell bị phản bác bởi các nhà Ai Cập học như Stephan Seidlmayer, ông ta chỉ ra rằng mực nước sông Nile luôn ở mức bình thường từ triều đại của Nynetjer cho tới tận thời kỳ Cổ Vương quốc. Bell đã bỏ qua những ghi chép về mực nước lũ đạt đỉnh trên tấm bia đá Palermo mà chỉ căn cứ vào số liệu được đo ở các Nilometer ở khu vực xung quanh Memphis, mà không phải ở các khu vực khác dọc theo con sông. Do đó giả thuyết về một đợt hạn hán kéo dài gần như không thể sảy ra.[52]

Giả thuyết đối lập về sự chia cắt vương quốc

Các nhà khoa học như Herman TeVelde[4], I.E.S Edwards[53] và Toby Wilkinson căn cứ vào những dòng chữ khắc trên bia đá biên niên sử của triều đại thứ năm, một tấm bia đá olivin-bazan màu đen ghi lại một danh sách các vị vua rất chi tiết, để đưa ra luận điểm chống lại giả thuyết về sự phân chia vương quốc. Trên tấm bia đá này, các vị vua từ triều đại thứ nhất đến triều đại thứ 7 được liệt kê theo tên Horus của họ, tên vàng và tên trong đồ hình của họ. Bản danh sách này cũng bao gồm các sự kiện năm từ ngày lễ lên ngôi của nhà vua đến khi nhà vua băng hà. Những mảnh vỡ nổi tiếng nhất của tấm bia đá này được gọi là bia đá Palermo và bia đá Cairo. Trên bia đá Cairo, trong dòng thứ 4, chín năm cai trị cuối cùng của vua Nynetjer vẫn còn lưu giữ lại được (nhưng hầu hết các ô ghi sự kiện năm hiện giờ không thể đọc được).[6] Niên đại ghi lại thời điểm vua Nynetjer băng hà được nối tiếp bởi niên đại của một vị vua mới khác. Những khám phá gần đây cho thấy rằng serekh của vị vua mới nằm dưới biểu tượng của một linh vật có bốn chân, không phải là biểu tượng chim ưng của Horus. Bởi vì chỉ có duy nhất biểu tượng linh vật của thần Seth là linh vật có bốn chân duy nhất được sử dụng trong các serekh của các vị vua Ai Cập thời kỳ đầu này, cho nên vị vua này có thể chính là Peribsen, dẫu vậy vẫn còn nhiều ý kiến tranh luận khác về vấn đề này. Chẳng hạn, các nhà Ai Cập học như TeVelde, Barta và Edwards lại không đồng tình, và theo họ: Peribsen có lẽ không phải là vị vua duy nhất có một cái tên Seth. Các sự kiện diễn ra hàng năm dưới triều đại Nynetjer cho thấy sự liên quan ngày càng tăng đến thần Seth, một giả thuyết được đưa ra ở đây đó là truyền thống sử dụng tên Horus như là tên gọi duy nhất của nhà vua có thể chỉ mới tiến triển. Sự nổi lên của một vị vua có mối liên hệ với thần Seth có lẽ không phải là một điều quá bất ngờ. TeVelde, Barta và Edwards đều nghĩ rằng, ngoài Peribsen, các vị vua khác như Wadjenes, Nubnefer hay Senedj cũng có thể là một vị vua Seth; Một trong số họ chắc chắn là người đã trực tiếp kế vị Nynetjer. Một số lượng tương đối lớn các bằng chứng khảo cổ học được tìm thấy có niên đại thuộc về triều đại của Peribsen đã giúp phủ nhận giả thuyết về một triều đại ngắn, chỉ từ 10 đến 12 năm, theo như tấm bia đá biên niên sử[6].

Tấm bia đá biên niên sử còn cho thấy hoàn toàn không có bất cứ dấu hiệu nào của sự chia cắt vương quốc Ai Cập. Barta, TeVelde, Wilkinson và Edwards lập luận rằng giả thuyết về sự chia cắt vương quốc này không hề sảy ra. Có khả năng đó là sự tái tổ chức về mặt hành chính hoặc một sự chia rẽ trong tầng lớp tư tế.[6]

Thành tựu chính trị

Dưới thời trị vì của mình, Peribsen đã thiết lập một bộ máy chính quyền mới được gọi là "Quốc khố của nhà trắng" và một cung điện hoàng gia mới, được gọi là "nơi che chở của Nubt", nằm gần Ombos ("Nubt" là tên Ai Cập cổ đại của Naqada).[54] Các chức vụ hành chính như ký lục, chưởng ấn và quan giám sát đã được điều chỉnh để phù hợp với sự phân chia về mặt hành chính của vương quốc. Ví dụ, các chức vụ như "quan chưởng ấn của nhà vua" đã được đổi thành "quan chưởng ấn của vua Thượng Ai Cập". Sự cải cách bộ máy quan lại này có thể được coi như một nỗ lực của Peribsen để nhằm hạn chế quyền lực của các quan lại trong triều, và còn là bằng chứng cho thấy một bộ máy chính quyền cồng kềnh và khổng lồ đã tồn tại dưới triều đại của Nynetjer.[55]

Hệ thống chính quyền của Peribsen và Sekhemib có một sự phân cấp rõ ràng và rành mạch; ví dụ như từ hàng cao nhất đến thấp nhất: Kho ngân khố (thuộc về hoàng gia và do đó có thứ hạng cao nhất) → bộ phận phúc lợi → điền sản → các vườn nho → vườn nho tư (tài sản của công dân và do đó xếp hạng thấp nhất). Vua Khasekhemwy, vị vua cuối cùng của triều đại thứ hai, có thể đã tái thống nhất lại bộ máy chính quyền của Ai Cập và do đó đã thống nhất lại toàn bộ vương quốc Ai Cập cổ đại. Ông ta đã đặt hai kho ngân khố của Ai Cập nằm dưới sự kiểm soát của "Hoàng cung", khiến cho chúng nằm dưới sự quản lý duy nhất của một bộ máy chính quyền mới.[55][56][57]

Peribsen cũng cho xây dựng các cung điện hoàng gia như Per-nubt ("cung điện của Ombos") và Per-Medjed ("cung điện thiết triều") cũng như cho xây dựng một số thành phố để phát triển kinh tế. Tên của chúng, Afnut ("thành phố của những người làm khăn trùm"), Nebj ("thành phố của những người bảo vệ"), ABET-desheret ("thành phố của những chiếc bình granite đỏ") và Huj-setjet ("thành phố của những người châu Á '), đều được đề cập trên các vết dấu kế bên với serekh của Peribsen, và thường đi cùng với cách nói "nhà vua tới thăm...".[57][58] Các chữ khắc trên những chiếc bình đá cũng đề cập đến một "ini-setjet" ("cống vật từ người dân của Sethroë "), mà có thể ngụ ý rằng Peribsen đã lập nên một thánh địa tôn giáo cho thần Seth ở khu vực đồng bằng sông Nile. Điều này có thể gợi ý về việc Peribsen đã cai trị toàn bộ Ai Cập, hoặc ít nhất ông đã được chấp nhận như là vua trên toàn bộ Ai Cập[59]

Có một vị quan dưới triều đại của Peribsen, Nefer-Setekh ("Seth là sự tốt đẹp"), "tư tế thuần túy của nhà vua", được các nhà Ai Cập học biết đến thông qua bia đá của ông ta. Tên của ông ta có thể mang hàm ý là nêu bật sự hiện diện và phổ biến của thần Seth giống như một vị thần của hoàng gia.[60]

Trong ngôi mộ của Peribsen ở Abydos, các vết dấu bằng đất sét được tìm thấy đã minh chứng cho sự hoàn thiện về mặt ngữ pháp dưới triều đại của ông. Dòng chữ khắc ghi lại như sau:[61]

"Vị thần thịnh vượng/vị thần của Ombos đã thống nhất/trao lại hai vùng đất cho người con trai của ngài, vua của Thượng và Hạ Ai Cập, Peribsen."

Tước hiệu "Vị thần thịnh vượng" hay còn đọc là "vị thần của Ombos" được các nhà Ai Cập học cho là một cách gọi mang ý nghĩa về tôn giáo của thần Seth[62][63][64]

Thay đổi về tôn giáo

Nhiều vị thần khác cũng đã được dân chúng thờ phụng dưới thời Peribsen. Một số lượng lớn các vết dấu và chữ khắc trên bình đề cập đến các vị thần như Ash, Horus, Nekhbet, Min, Bastet và Kherty. Các vị thần được khắc họa cùng với tên của địa điểm hoặc thành phố vốn là nơi đặt các trung tâm tôn giáo chính của họ. Ngoài ra, một số vết dấu triện của Peribsen còn có biểu tượng một đĩa mặt trời nằm trên đầu biểu tượng linh vật của thần Seth: đây là một biểu tượng sơ khai của thần Ra. Vấn đề ở đây đó là không có bằng chứng khảo cổ học nào cho thấy thần mặt trời Ra đã được coi như là một vị thần Ai Cập vào giai đoạn sơ khai này; Sự xuất hiện của biểu tượng đĩa này có thể là bằng chứng đầu tiên về sự xuất hiện của tôn giáo thờ cúng thần mặt trời và sự thay đổi trong thần thoại Ai Cập. Biểu tượng đĩa mặt trời còn xuất hiện trong mối liên hệ giữa các vị vua với vị thần bảo trợ cho vương quốc (ví dụ, dưới triều đại của vị vua Raneb mặt trời được kết nối đến thần Horus; Dưới thời Peribsen nó được kết nối với thần Seth). Dưới thời Khasekhemwy, mặt trời cuối cùng cũng được gọi với tên riêng là Ra, và trong giai đoạn chuyển giao giữa hai triều đại của vua Khasekhemwy và Djoser, một số vị tư tế và quan lại cũng đã kết nối tên của họ với thần Ra..[65][66]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Seth-Peribsen http://dispatch.opac.d-nb.de/DB=1.1/CMD?ACT=SRCHA&... http://dispatch.opac.d-nb.de/DB=1.1/CMD?ACT=SRCHA&... http://digi.ub.uni-heidelberg.de/diglit/petrie1901... http://xoomer.virgilio.it/francescoraf/hesyra/prib... http://www.britishmuseum.org/explore/highlights/hi... //www.worldcat.org/search?fq=x0:jrnl&q=n2:0044-216... //www.worldcat.org/search?fq=x0:jrnl&q=n2:0307-510... //www.worldcat.org/search?fq=x0:jrnl&q=n2:0342-127... //www.worldcat.org/search?fq=x0:jrnl&q=n2:0344-385... //www.worldcat.org/search?fq=x0:jrnl&q=n2:0366-422...